Sáng ngày 6/3/2022, Đoàn doanh nghiệp Itali do Bà Barbara Colombo, Chủ tịch Hiệp hội chế tạo máy công cụ, rô bốt và thiết bị tự động hóa UCIMU làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại trụ sở văn phòng Hà Nội của VAMI. Hỗ trợ đoàn có đại diện Đại sứ quán Italia tại Việt Nam. Về phía VAMI, có Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký và Ông Nguyễn Hữu Thịnh Trưởng Ban Pháp Chế, Bà Nguyễn Bích Thủy, Trưởng Ban truyền thông.
Buổi làm việc tại VAMI là sự kiện đầu tiên trong chuỗi hoạt động 5 ngày khảo sát thị trường Việt Nam của đoàn UCIMU. Tiếp theo buổi làm việc, VAMI đã bố trí và giới thiệu cho đoàn làm việc trực tiếp với các thành viên của Hiêp hội như Viện nghiên cứu cơ khí Narime, các công ty con của Tổng công ty Lilama, Vinalif, Hameco, Alpha ECC, Sveam, Lidovit,…
Mục đích của Chuyến Study tour tại Việt Nam với mong muốn giúp cho 15 doanh nghiệp Italia tìm hiểu về thị trường ngành cơ khí, công nghiệp hỗ trợ và chuẩn bị tiến tới thành lập một Trung tâm xúc tiến thương mại liên quan đến ngành tại Việt Nam. Phía UCIMU, họ mong muốn thời gian tới, hai Hiệp hội sẽ ký một biên bản ghi nhớ cho sự hợp tác sâu hơn nữa giữa hai bên hiệp hội.
Italia có ngành công nghiệp năng và công nghiệp cơ khí đứng thứ 4 thế giới và chiếm tới 60% tổng giá trị sản xuất dành cho xuất khẩu. Những mặt hàng chủ yếu liên quan đến các loại máy móc công nghiệp, máy công cụ, rô bốt, dụng cụ và các thiết bị chế tạo cơ khí,… phục vụ được nhiều ngành và lĩnh vực công nghiệp.
Theo Bà Barbarra Colombo, trong số các doanh nghiệp theo đoàn thực hiện tour khảo sát lần này có một số doanh nghiệp lần đầu tiên đến tìm hiểu thị trường Việt Nam và một số doanh nghiêp đã có hoạt động tại thị trường Việt Nam đơn cử như Tập đoàn Sacmi Group chuyên về các thiết bị đa ngành nghề, đặc biệt là các máy công cụ, máy ép thủy lực. Tập đoàn này, với bề dày lịch sử hàng 100 năm (ra đời năm 1919), đã có chi nhánh tại phía Nam và đã làm việc với một số doanh nghiệp Việt, đang muốn tìm hiểu cơ hội mở thêm đại lý phía Bắc.
Một số doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp máy móc lớn như Shiringhelli, họ đã có hơn 100 năm phát triển và 90% sản phẩm của họ xuất khẩu sang thị trường Đức và Trung Quốc, giờ muốn tới Việt Nam để tìm cơ hội tại thị trường này. Đại diện doanh nghiệp rất quan tâm đến các doanh nghiệp Việt mong muốn nâng cấp các tiêu chuẩn nhà máy, muốn đầu tư nắm bắt công nghệ và trang thiết bị hiện đại chuẩn bị tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hay như Công ty Losma, cũng là một doanh nghiệp chuyên về các loại máy và trang thiết bị máy lọc bụi, khí và nước thải dành cho ngành cơ khí với hệ thống lớn. Hiện doanh nghiệp này đã có chi nhánh phía Nam và đang tìm kiếm cơ hội phía Bắc mở rông thị trường trong thời gian tới.
Trước câu hỏi đánh giá về thi trường cơ khí những năm tới, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch VAMI cho biết: “10 năm qua, Việt Nam tập trung vào phát triển công nghiệp phụ trợ, do đó, nhu cầu sử dụng khá lớn với nhiều loại máy móc trang thiết bị phục vụ trong nhiều lĩnh vực công nghiệp ô tô, xe máy, nông nghiệp, xây dựng,…”
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các doanh nghiệp nói chung trong đó các doanh nghiệp cơ khí cần phải tham gia mạnh vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới sẽ tham gia nhiều vào việc mở rộng thị trường quốc tế, từ đó nhu cầu đầu tư vào việc trang bị các trang thiết bị hiên đại và công nghệ cao nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế. Ông cũng cho biết hiện máy móc của Trung Quốc thời gian tới sẽ không đáp ứng được yêu cầu và tiêu chuẩn của việc tham gia chuỗi.
Ông cũng cho biết thêm “Việt Nam có nhiều doanh nghiệp tham gia các dự án lớn của quốc tế. Một số thành viên của VAMI cũng đã tham gia nhiều dự án xây dựng các dự án kiểu như vậy. Các dự án này đòi hỏi các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam phải đảm bảo tiêu chuẩn cao của quốc tế như Lilama với dự án xây dựng sân vận động tại Katar phục vụ cho World cup, do đó, bản thân doanh nghiệp này cũng phải đầu tư thêm nhiều trang thiết bị, máy móc mới hiện đại hơn.
Được biết máy móc của Italia cũng là một trong những thương hiệu mà các doanh nghiêp cơ khí muốn tham gia chuỗi có ý định nghiên cứu tìm hiểu, do đó, đây đúng là thời điểm tốt để Hiệp hội UCIMU thành lập Trung tâm xúc tiến tại thị trường Việt Nam và ý tưởng thành lập Trung tâm này được phía VAMI đánh giá cao.