Hội thảo “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than công suất tổ máy đến khoảng 600 MW
Ngày 2/7, tại Viện nghiên cứu Cơ khí, Số 4 Phạm Văn Đồng, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” do Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam,Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) tổ chức.
PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VAMI phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo là dịp để các doanh nghiệp cơ khí, các cơ quan quản lý, các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng nguồn nhân lực, năng lực cần thiết để tham gia vào quá trình thiết kế, chế tạo các thiết bị cho nhà máy nhiệt điện… với mục tiêu cuối cùng là tạo ra một số doanh nghiệp đủ khả năng để tham gia vào thiết kế, chế tạo một số hệ thống thiết bị cho nhà máy nhiệt điện đốt than trong thời gian tới.
Ts. Phan Đăng Phong, Phó Chủ tịch VAMI, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cơ khí phát biểu tại Hội thảo.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết, nội địa hóa thiết bị được xem như một giải pháp quan trọng để thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo trong nước phát triển và làm chủ công nghệ mới. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp cơ khí đã và đang nỗ lực hết mình để nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện cũng như vượt qua các khó khăn để tìm kiếm công việc, địa chỉ ứng dụng kết quả nghiên cứu và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Toàn cảnh Hội thảo.
Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo, việc triển khai dự án khoa học và công nghệ “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy khoảng 600 MW” cũng như các đề tài thuộc dự án này đã thể hiện quyết tâm nội địa hóa thiết bị nhà máy nhiệt điện của VN. Từ chỗ chưa có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế hệ thống, đồng bộ một nhà máy nhiệt điện đốt than công suất đến 600 MW, nhưng qua thực tế đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện trong một vài năm gần đây, chúng ta đã từng bước nắm bắt được công nghệ, thiết kế, chế tạo và thu được nhiều kinh nghiệm trong quản lý dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than …