Hội thảo về dự thảo Thông tư Ban hành danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo: Doanh nghiệp cơ khí có hơn 80 ngành, nghề phải thực hiện.
Sáng ngày 19/08/2020, tại trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo tham vấn doanh nghiệp về “dự thảo Thông tư Ban hành danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo” do VCCI tổ chức.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Hiệp hội ngành kinh tế kỹ thuật từ các ngành như: cơ khí, Hội doanh nghiệp Nhật Bản, dệt may, da giầy, thủy sản, … và chuyên gia nhân sự của một số doanh nghiệp lớn như Samsung, Toyota … Chủ trì Hội thảo: Bà Trần Thị Lan Anh, Phó tổng thư ký VCCI, ông Vũ Xuân Hùng, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp GDNN - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH).
Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và Bộ Luật lao động năm 2019, để phát triển nhân lực có kỹ năng nghề nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, Tổng cục GDNN– Bộ LĐTBXH xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo.
Tại Hội thảo, ông Vũ Xuân Hùng, đại diện cơ quan soạn thảo, đã giới thiệu nội dung Dự thảo Thông tư. Theo đó, Thông tư này có 04 Điều và 02 danh mục ngành nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo gồm: Danh mục 1, bao gồm 68 ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo áp dụng từ ngày 1/1/2022. Đây là những ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (nhóm V và nhóm VI) theo danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Danh mục 2, bao gồm 90 ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo áp dụng từ ngày 1/1/2023. Đây là những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động ở nhóm IV). Ngoài ra, từ ngày 1/1/2024, việc sử dụng lao động đã qua đào tạo áp dụng cho các ngành nghề còn lại (không ở Danh mục 1, 2).
Dự kiến Thông tư trên có hiệu lực từ 1/1/2022 (cụ thể theo lộ trình, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng lao động chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo đối với các ngành, nghề được quy định tại Thông tư này).
Từ góc độ cơ khí chế tạo, ngành này liên quan đến Danh mục 1 có 25 ngành nghề (25/68), tương tự trong Danh mục 2 có 59 ngành nghề (tính cả vận hành máy và thiết bị) (59/90).
Đại diện một số doanh nghiệp cơ khí cho rằng, nếu Thông tư này được ban hành, trong 2, 3 năm tới các DN cơ khí với tổng cộng cỡ nửa triệu lao động, đặc biệt đối với các DN vừa và nhỏ có nhiều lao động chưa qua đào tạo, sẽ phải rà soát, nâng cao và cơ cấu lại lực lượng lao động của mình. Đối với các DN đang sản xuất sản phẩm xuất khẩu, có sự giám sát chặt chẽ của đối tác nước ngoài về lao động thì việc tuân thủ càng phải chặt chẽ hơn. Như vậy, các qui định trên sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp; Việc tuyển mới có thể tuân thủ ngay, nhưng số lao động chưa qua đào tạo đang làm việc tại các DN sẽ ra sao? Cần phải có những chuẩn bị trước.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xem xét lộ trình thực hiện và các chế tài, điều kiện thực hiện cụ thể. Việc đào tạo bổ sung và cấp chứng chỉ nghề cho số lao động đã làm việc nhiều năm mà chưa qua đào tạo (chưa có chứng chỉ) tại các DN cần phải được thực hiện không chỉ ở các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp mà cần được thực hiện tại DN đang sử dụng các lao động này. Chúng ta cần xem xét việc tổ chức và điều kiện cấp chứng chỉ qua đào tạo nghề cho lao động tại các DN có thể thực hiện. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các Sở, ngành liên quan cần đơn giản hóa thủ tục hành chính và các điều kiện xây dựng, tổ chức Bộ phận đào tạo nâng cao tay nghề, cấp chứng chỉ nghề tại DN.
Đại diện Cơ quan soạn thảo ghi nhận các kiến nghị và hứa nghiêm túc xem xét có thể chỉnh sửa và có Hướng dẫn cụ thể chi tiết hơn cùng với lộ trình hiệu lực của Thông tư./.
Toàn cảnh Hội thảo tham vấn
Đại diện một số Hiệp hội và Doanh nghiệp tại Hội thảo