Chính phủ ngày 06 tháng 8 năm 2020 đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải phát thúc đẩy phát triển Công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Nghị quyết được các thành viên Chính phủ biểu quyết ban hành trên cơ sở các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ngày 19 tháng 12 năm 2018. Nghị quyết 115/NQ-CP gồm 5 nội dung sau:
Nghị quyết Chính phủ đã đáng giá những tồn tại, hạn chế, những vấn đề phát sinh mới, những vướng mắc, thiếu nhất quán và chưa ổn định trong chỉ đạo phát triển CNHT và chỉ rõ như nguyên nhân chủ quan, khách quan gây nên tình trạng trên.
- Quan điểm chỉ đạo: Phát triển CNHT phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa của các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển theo Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị bao gồm: điện tử, cơ khí trọng điểm, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, da giầy, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp quốc phòng. Và phát triển CNHT trên cơ sở tạo lợi thế cạnh tranh, lấy phát triển chiều sâu làm trọng tâm, với các ưu tiên đột phá để tạo ra các mũi nhọn cho phát triển công nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững, thân thiện môi trường trên cơ sở huy động nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
- Mục tiêu tổng quát:
Đến năm 2025, CNHT đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.
Đến năm 2030, CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
- Mục tiêu cụ thể:
Quyết định nêu rất cụ thể trách nhiệm các Bộ, Ban, Ngành: Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và các hiệp hội ngành hàng có liên quan và các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình. Trong đó Bộ Công Thương được Chính phủ giao 13 nhiệm vụ cụ thể như nghiên cứu, đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển nhằm tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ phát triển và phù hợp với đặc điểm từng ngành; xây dựng 05 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng…
Quyết định chỉ rõ: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp trong Nghị quyết này nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công nghiệp hỗ trợ. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình và kết quả triển khai Nghị quyết; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai thực hiện của các bộ, ngành và các địa phương khi có yêu cầu.
Đây là một Quyết định thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ đối với việc phát triển CNHT. Quyết định đề cập rất chi tiết với nhiều nội dung cụ thể, có phạm vi ảnh hưởng rộng. Mong bạn đọc tìm hiểu chi tiết để bổ sung các nhận thức mới và hành động.
Nghị quyết 115/NQ-CP, động lực mới thúc đẩy phát triển CNHT
(Nguyễn Đức Thịnh - Trưởng ban Thư ký và Pháp chế)