Sáng 26/6/2020, tại Hà Nội, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam-CTCP đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.
Tham dự Đại hội có đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, về phía LILAMA có ông Nguyễn Đình Hải - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty, ông Lê Văn Tuấn - Tổng giám đốc Tổng công ty - thành viên HĐQT, ông Nguyễn Hữu Thành - Phó TGĐ - thành viên HĐQT, ông Bùi Đức Kiên - Kế toán trưởng - thành viên HĐQT, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó TGĐ- thành viên HĐQT; Các ông bà trong Ban Kiểm soát; Ban Tổng giám đốc; lãnh đạo các phòng ban chức năng, các đơn vị thành viên Tổng công ty, cùng các cổ đông, đại diện nhóm cổ đông về tham dự.
Toàn cảnh Đại hội
Tại Đại hội, các cổ đông của LILAMA đã thống nhất và biểu quyết thông qua Báo cáo kết quả hoạt động năm 2019, định hướng kế hoạch hoạt động năm 2020 của Hội đồng Quản trị; Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư năm 2019 và kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của Tổng công ty; Báo cáo hoạt động năm 2019 và kế hoạch hoạt động năm 2020 của Ban Kiểm soát; và nhiều văn bản quan trọng khác.
Năm 2019 doanh thu cuả LILAMA đạt 5.580,8 tỷ đồng (97% kế hoạch) thì lợi nhuận trước thuế đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 76,5 tỷ đồng (102% kế hoạch), nộp ngân sách nhà nước 173,7 tỷ đồng (115,8% kế hoạch). Trả cổ tức 4%/năm. Như vậy, tuy chưa hoàn thành đầy đủ kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra, nhưng với kết quả doanh thu, thu hồi công nợ, thoái vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp…đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn thể Ban lãnh đạo và CBCNV LILAMA trong việc duy trì sự ổn định, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của LILAMA.
Tính đến 31/12/2019, LILAMA đã tiến hành thoái vốn tại các đơn vị theo đúng lộ trình Đề án tái cấu trúc đã được phê duyệt. Kết quả, thoái vốn thành công tại 7 công ty, thu về 410,5 tỷ đồng và thu hồi đợt 2 tiền thoái vốn tại VAPCO2 là 103 tỷ đồng.
Tổng công ty đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 với một số chỉ tiêu chính như sau: Vốn điều lệ 797,26 tỷ đồng, tổng doanh thu 3.054,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 30 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 80 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 2%/năm.
Đánh giá về công tác thị trường và định hướng ngành nghề trong thời gian tới, LILAMA sẽ tập trung vào 02 ngành kinh doanh chính là EPC, xây lắp và Cơ khí chế tạo.
Về ngành Cơ khí chế tạo: đối với cơ khí xuất khẩu, sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cơ khí; tăng cường hợp tác quốc tế; từng bước tham gia vào chuỗi liên kết toàn cầu qua việc cung cấp các bộ phận, chi tiết hoặc hàng hóa trung gian khác phụ vụ công tác lắp ráp sản phẩm cuối cùng cho tác tập đoàn, công ty trên thế giới. Đối với chế tạo trong nước, sẽ bám sát cơ chế thí điểm thực hiện thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa thiết bị trong các dự án công nghiệp mà LILAMA thực hiện. Hợp lý hóa cơ cấu sản phẩm cơ khí theo hướng cũng cố vững chắc danh mục sản phẩm hiện tại, đồng thời mở rộng danh mục sản phẩm chế tạo trong lớp công nghệ thiết bị phụ trợ cao cấp hơn phục vụ cho các dự án EPC. Tiếp tục thực hiện dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng và chế tạo thiết bị thay thế cho các nhà máy công nghiệp.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng do LILAMA lắp đặt
Tổng công ty đã ký hợp đồng và đang triển khai như sau: Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1, Dự án nhiệt điện Nghi Sơn 2, Dự án nhà máy phân đạm A/U tại Brunei, Dự án khí Nam Côn Sơn 2, Dự án nhà máy hóa dầu Long Sơn, Dự án điện Vân Phong 1…LILAMA đang tiếp tục tập trung công tác tiếp thị, bám sát chủ đầu tư và đối tác để tham gia thi công các dự án/gói thầu chuẩn bị thực hiện trong tương lai như: nhiệt điện Quảng Trạch 1, Nhơn Trạch 3&4, Dung Quất 1,2,3…
Cuối cùng, các cổ đông đã biểu quyết thông qua toàn bộ các nội dung được trình bày tại Đại hội với số phiếu biểu quyết tán thành rất cao. Đại hội đã thành công tốt đẹp và bế mạc vào hồi 11h10 phút cùng ngày (XMBT).
Duy Tình đưa tin