Máy trợ thở đã được chế tạo thành công bởi nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Điện tử viễn thông - Đại học Điện lực
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, sau một thời gian gấp rút cùng các chuyên gia y tế làm việc miệt mài, nhóm nghiên cứu khoa Điện tử viễn thông và Trung tâm nghiên cứu phát triển trường Đại học Điện Lực đã cho ra đời phiên bản đầu tiên của máy hỗ trợ thở cho bệnh nhân Covid-19 và các bệnh khác cần hỗ trợ thở.
Máy trợ thở được chế tạo dựa theo thiết kế mẫu của các cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học thế giới, các thiết kế được cải tiến để phù hợp với điều kiện Việt Nam và tình hình dịch bệnh hiện nay.
Sản phẩm của giảng viên và sinh viên ngành CNKT Điện tử Viễn thông
Đây là sản phẩm do nhóm nghiên cứu gồm giảng viên và sinh viên ngành CNKT Điện tử Viễn thông thuộc Khoa Điện tử Viễn thông và Trung tâm R&D của Trường thực hiện.
Thiết kế sử dụng các linh kiện, vật tư sẵn có, phổ biến để đảm bảo có thể sản xuất khẩn cấp với số lượng lớn, trong thời gian rất ngắn, có giá thành rẻ. Phiên bản đầu tiên này đang được gửi đi lấy ý kiến của các chuyên gia để có thể hoàn thiện và đưa vào sản xuất hàng loạt phục vụ nhân dân trong trường hợp khẩn cấp.
Máy hỗ trợ thở do Trường Đại học Điện lực chế tạo
Đáp ứng nhu cầu máy trợ thở trong tình huống khẩn cấp
Đây là loại máy hỗ trợ thở không xâm nhập dựa theo thiết kế mẫu của các cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học thế giới. Máy có các tính năng cơ bản gồm đặt được các thông số như lưu lượng khí, số nhịp thở/phút, chu trình thở và tỉ số inhale/exhale,...
Ngoài ra, máy có thể mở rộng thêm một số tính năng an toàn khác nếu cần thiết, chẳng hạn như cảnh báo áp suất... Thiết kế phù hợp với tình hình Việt Nam và bệnh dịch và đặc biệt rất hữu ích trong các trường hợp như các bệnh nhân chưa cần phải dùng đến máy thở xâm nhập hoặc phải dành máy thở xâm nhập cho những bệnh nhân nặng hơn.
Hiện nay, thiết kế gồm 2 phiên, tuỳ thuộc vào nguồn cung cấp linh kiện để thực hiện. Phiên bản đầy đủ nhỏ gọn, nhiều tính năng hơn nhưng phụ thuộc nhiều vào nguồn vật tư linh kiện không có sẵn ở thị trường Việt Nam.
Với phiên bản rút gọn, thiết kế sử dụng các linh kiện vật tư sẵn có, phổ biến để đảm bảo có thể sản xuất khẩn cấp với số lượng rất lớn, gần như không hạn chế số lượng trong thời gian rất ngắn với giá thành rẻ, nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 1.000 - 2.000 chiếc/mỗi tuầnvới giả thành rẻ, khoảng 2 - 3 triệu/chiếc.
Trường Đại học Điện lực dẫn đầu về chỉ số công bố bằng nội lực của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam năm 2019
Với chủ trương gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất và đời sống, trong những năm vừa qua Trường Đại học Điện lực đã thực hiện hàng trăm đề tài NCKH các cấp, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí, hội nghị khoa học uy tín trong và ngoài nước, nhiều sản phẩm KHCN của Trường đã được ứng dụng trong thực tiễn, máy trợ thở là một trong những sản phẩm đó.
Đặc biệt, năm 2019 Trường Đại học Điện lực đã được Hệ thống đánh giá chất lượng đại học Việt Nam (University Performance Metrics - UPM) của Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá nằm trong top đầu bảng xếp hạng nghiên cứu đại học Việt Nam và dẫn đầu về chỉ số công bố bằng nội lực của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.