Hai mẫu máy trợ thở đã được nhóm nghiên cứu trường Đại học Điện Lực thiết kế và sản xuất thành công.
Mục sở thị máy trợ thở giá rẻ "made in Đại học Điện Lực"
Nhóm nghiên cứu thuộc khoa Điện tử - Viễn thông và Trung tâm nghiên cứu phát triển (trường ĐH Điện Lực) phối hợp với một số chuyên gia y tế đã sáng chế và sản xuất hai phiên bản đầu tiên của mẫu máy trợ thở.
Đây là loại máy hỗ trợ thở không xâm nhập dựa theo thiết kế mẫu của các cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học thế giới. Máy có các tính năng cơ bản đạt được các thông số như lưu lượng khí, số nhịp thở/phút, chu trình thở và tỉ số inhale/exhale…
Trưởng nhóm chế tạo – thầy Trần Hữu Kiên, khoa Điện tử - Viễn thông (Đại học điện lực) cho biết hiện nay nhóm chế tạo 2 phiên bản khác nhau.
Phiên bản EV1 nhằm mục đích chính là đáp ứng tốc độ sản xuất nhanh khi không may xảy ra trường hợp y tế khẩn cấp; phiên bản này sử dụng các linh kiện vật tư sẵn có, phổ biến để đảm bảo có thể sản xuất khẩn cấp với số lượng rất lớn, giá thành rẻ. Nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 1.000 - 2.000 chiếc/mỗi tuần với giá thành khoảng 2 - 3 triệu đồng/chiếc.
Phiên bản EV2 nhỏ gọn hơn, nhiều tính năng hơn nhưng vật tư, linh kiện lại không dễ huy động số lượng lớn trong thời gian ngắn.
Thời điểm hiện tại, hai máy trợ thở mẫu đang được nhóm nghiên cứu xin ý kiến chuyên gia và các nhà khoa học để hoàn thiện, hướng tới sản xuất phục vụ người dân trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Nhóm nghiên cứu gồm 8 thành viên là giảng viên, học viên của khoa Điện tử - Viễn thông và Trung tâm nghiên cứu phát triển (trường ĐH Điện Lực). "Việc nghiên cứu trong thời điểm dịch bệnh nhất là khoảng thời gian thực hiện cách ly xã hội không dễ dàng. Chúng tôi phải chia nhau đến phòng nghiên cứu, chủ yếu trao đổi trực tuyến... Việc tìm mua nguyên vật liệu, linh kiện... cũng khó khăn", Tiến sĩ Phạm Duy Phong, Phó trưởng khoa cho biết.
Ngay khi ĐH Điện Lực vừa cho ra mắt mẫu máy trợ thở, ông Trần Anh Vương (Shark Vương) đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã đến làm việc với nhóm nghiên cứu để tìm hiểu khả năng hợp tác, chuyển giao công nghệ để có thể đưa vào sản xuất phục vụ việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ sẵn sàng chia sẻ lại thiết kế để các tổ chức, cá nhân trong cả nước có thể cùng hoàn thiện thiết kế và tự chế tạo máy trợ thở, đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.