Giải pháp cho các doanh nghiệp Việt kết nối với khách mua hàng quốc tế thời Covid
Meran
Năm 2020 là một năm đầy thử thách và khó khăn đối với cộng đồng các doanh nghiệp trên toàn thế giới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nguồn cung vật tư bị đứt quãng, sự kết nối trực tiếp giữa nhà cung ứng và khách mua hàng bị đình trệ. Vậy giải pháp nào để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tìm kiếm đầu ra tại thời điểm này?
Về mặt lý thuyết thì các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ triển lãm thương mại quốc tế sẽ là một trong những cầu nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp sản xuất và khách mua hàng để tạo tiền đề cho hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hạn chế di chuyển và tiếp xúc như hiện nay khi doanh nghiệp không thể trực tiếp ra nước ngoài để tìm kiếm khách hàng cũng như các nhà mua hàng quốc tế cũng không thể vào Việt Nam để tìm nguồn cung ứng thì bản thân hình thức kết nối này cũng cần phải thay đổi.
Bên cạnh các hình thức trưng bày truyền thống có thể áp dụng hiệu quả cho các tiếp xúc trong nước, các nhà tổ chức triển lãm đã nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động triển lãm thông qua mô hình triển lãm song song (hybrid) kết hợp giữa hình thức trưng bày trực tiếp và trực tuyến tạo nên một mô hình tham dự tương đối lý tưởng trong bối cảnh hiện tại. Theo đó, nhà tổ chức sẽ tạo ra các gian hàng trên không gian ảo để trưng bày, giới thiệu sản phẩm và doanh nghiệp đồng thời tạo ra không gian làm việc, trao đổi giữa các bên bán và mua theo thời gian thực nhờ vào các tính năng ghép nối yêu cầu chạy trên nền các kho dữ liệu lớn của nhà tổ chức. Đơn cử một số chương trình về chế tạo cơ khí quốc tế đang áp dụng mô hình này như Amtex 2021 Asia Machine Tool Exhibition tại Ấn Độ (https://www.amtex-expo.com/); Shanghai International Assembly & Handling Technology Exhibition 2021 tại Trung Quốc (https://www.shanghaiahte.com/en/); Eurobelch 2021 (https://www.euroblech.com/2020/english/); Blech India tại Ấn Độ (https://www.blechindia.com/2021/english/ ); AsiaBlech tại Trung Quốc (https://www.asiablech.com/en-gb.html).
Ngoài ra, các nhà tổ chức triển lãm quốc tế còn phát triển mô hình triển lãm tham dự từ xa (remote plan) từ hình thức tham dự truyền thống nghĩa là các doanh nghiệp quốc tế sẽ có gian hàng thực trưng bày tại triển lãm, với sự hỗ trợ của Ban tổ chức doanh nghiệp có thể gửi hàng hóa sang các thị trường triển lãm, doanh nghiệp được hỗ trợ nhân sự là phiên dịch kết nối trực tiếp với khách hàng tới tham quan triển lãm thông qua hệ thống máy tính và phần mềm hội nghị trực tuyến được đặt ngay tại gian hàng. Những thị trường như Nhật Bản hay Hàn Quốc luôn có văn hóa mua hàng trực tiếp, có lượng khách tham quan khá là đông. Với mô hình triển lãm như thế này, doanh nghiệp sẽ có khả năng tiếp cận với khách hàng theo thời gian thực thông qua các giao dịch viên tại những gian hàng của mình. Theo báo cáo kết quả đạt được của mô hình Remote Plan này từ Reed Exhibitions, mô hình này thu hút sự quan tâm đông đảo từ nhiều doanh nghiệp và khách tham quan, đạt được nhiều thành công nhất định. Theo số liệu được thống kê từ các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản tham dự triển lãm theo mô hình này, lượng khách tham quan (onsite-visitor) dao động từ 100-300, số lượng các cuộc meeting là từ 50-150 đối với mỗi gian hàng. Phần lớn các doanh nghiệp cũng như các khách hàng đều rất hài lòng với mô hình triển lãm mới này.
Mô hình triển lãm theo phương thức trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại nói riêng và trong các hoạt động giao thương nói chung là điều không thể phủ nhận, các doanh nghiệp có thể dễ dàng kết nối với nhau, tìm kiếm những nhà mua hàng tiềm năng, tiếp cận với khách hàng một cách dễ dàng. Tuy nhiên trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, doanh nghiệp không thể ngồi yên mà phải có sự chuẩn bị những kịch bản khác nhau cho mọi tình huống sắp tới nên có thể nói các mô hình tham dự triển lãm như trên có thể coi là một giải pháp hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới.
PS:
Để minh họa rõ hơn các đề xuất trong bài viết, 03 file giới thiệu về mô hình triển lãm “Remote Exhibiting Plan”, triển làm M-Tech tại Nhật năm 2021 “M-Tech 2021” và “Đề xuất phương án tham dự triển lãm tại M-Tech Nagoya” được đăng tải trong website của Vami, kính mời các doanh nghiệp tham khảo.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, Vami có hợp tác với một đơn vị chuyên về triển lãm EIFEC, các doanh nghiệp của Vami cần hỗ trợ xin liên hệ Văn phòng Hiệp hội.
Tài liệu kèm theo: